NHỮNG LẠC THUYẾT phản TÍN LÝ

 

CHỦ XƯỚNG CẢI CÁCH

 

(Martin Luther)

  

Ngày 31-10-1517, Martin Luther, một linh mục dòng Thánh Augustinô, đã phổ biến một văn kiện đưa ra 95 vấn đề để bàn luận ở Wittenberg (xem Translations and Reprints from the Original Sources of European History, ed. by the Department of History of the University of Pennsylvania, New York: Longman’s Green & Co. Inc., 1894, pp. 11-18). Ngày 15-6-1520, Đức Thánh Cha Lêo X đã lên án các sai lầm của Martin Luther trong Tông Sắc Exsurge Domine sau đây:

 

… Do ơn Chúa, vì lãnh nhận trách nhiệm mục vụ, chúng tôi không còn chần chờ hay coi thường được nữa về chất độc hại nơi những sai lầm trên mà không có lỗi với Kitô Giáo và làm tổn hại đến đức tin truyền thống. Chúng tôi quyết định bày tỏ một số những sai lầm này trong văn kiện đây; chính yếu của những sai lầm ấy như sau:

 

1.      Các bí tích của Tân Luật ban ơn tha thứ cho những ai không gây vướng trở là một ý nghĩ lạc giáo song là một ý nghĩ chung.

2.      Phủ nhận việc tội lỗi vẫn còn nơi con trẻ sau khi em lãnh nhận bí tích rửa tội là tỏ ra khinh Thánh Phaolô và Đức Kitô.

 

3.      Dù không thực sự phạm tội đi nữa, thì các căn tội sôi động cũng trì hoãn việc linh hồn vào thiên đàng sau khi lìa khỏi thân xác.

 

4.      Vào giờ lâm tử, đức ái bất toàn mang lại cho người ta một nỗi sợ hãi cả thể, một nỗi sợ hãi tự nó đủ làm phát sinh ra hình phạt luyện ngục, và gây trở ngại cho việc vào thiên đàng.

 

5.      Ba phần thống hối là ăn năn dốc lòng chừa, xưng tội và đền tội không có nền tảng trong Thánh Kinh hay nơi các vị tiến sĩ Kitô Giáo thánh thiện xưa kia.

 

6.      Việc ăn năn dốc lòng chừa, một việc được thực hiện với tác động bàn hỏi, hồi tâm và ghét tội, nhờ đó người ta nghĩ lại các năm tháng của mình một cách buồn đau trong tâm hồn, nhờ đó họ nghĩ đến tính cách nặng nề của tội lỗi, đến số lượng của tội lỗi, đến cái đớn hèn của tội lỗi, đến tình trạng mất phúc trường sinh và bị đời đời luận phạt, thì việc ăn năn dốc lòng chừa này làm cho họ trở thành một kẻ giả hình, thực sự là một tội nhân hơn nữa.

 

7.      Câu cách ngôn đúng nhất, và là một giáo điều liên quan đến các việc ăn năn dốc lòng chừa vẫn được thực hiện từ trước tới nay, càng sáng tỏ hơn, chính là câu “đừng làm như thế nữa trong tương lai đó là một việc thống hối thượng hạng; một việc thống hối hay nhất, một đời sống mới”.

 

8.      Qúi vị không cần cho rằng phải xưng thú các tội nhẹ, kể cả các tội trọng, vì qúi vị không thể nào biết được tất cả mọi tội trọng. Bởi thế, vào thời Giáo Hội sơ khai, chỉ có các tội trọng bộc lộ tỏ tường mới phải xưng thú mà thôi.

 

9.      Bao lâu chúng ta muốn xưng thú tất cả mọi tội lỗi không trừ một tội nào thì chẳng khác gì chúng ta muốn Thiên Chúa không còn gì để thương tha cho mình nữa.

 

10.  Người ta chưa được tha tội trừ khi vị linh mục tha tội tin rằng tội đã được thứ tha; ngược lại, họ vẫn còn mắc tội khi vị linh mục tin rằng tội đã được tha thứ; thật vậy, vì việc xá tội và việc ban ơn mà thôi vẫn chưa đủ, còn cần phải tin việc tha tội đã được ban phát nữa.

 

11.  Qúi vị không thể biết chắc mình đã được giải tội nhờ ăn năn dốc lòng chừa, mà là nhờ lời Chúa Kitô: “Bất cứ điều gì các con cởi mở v.v.”. Bởi thế, tôi mới nói, hãy tin tưởng cậy trông nếu qúi vị đã được vị linh mục giải tội, và chính mình tin chắc là mình đã được giải tội, thì qúi vị sẽ được giải tội thực sự, được tha bất cứ điều gì đã ăn năn dốc lòng chừa.

12.  Trường hợp người thú tội không thể ăn năn dốc lòng chừa, hay vị linh mục không giải tội một cách đàng hoàng, mà chỉ làm chơi vậy thôi, tuy nhiên, nếu người ấy tin rằng mình đã được giải tội thì họ thực sự đã được giải hết tội.

 

13.  Nơi bí tích thống hối và giải tội, giáo hoàng hay giám mục không làm gì hơn là một vị linh mục tầm thường nhất; thật vậy, nơi nào không có linh mục thì bất cứ một Kitô hữu nào, cho dù là phụ nữ hay trẻ em, cũng được phép làm như vậy.

 

14.  Không ai buộc phải trả lời cho vị linh mục biết rằng mình đã ăn năn dốc lòng chừa, và vị linh mục cũng không được hỏi điều này.

 

15.  Thật là lầm lạc cả thể cho những ai đến với bí tích Thánh Thể vì họ dựa vào việc họ đã xưng tội, việc họ không biết mình có tội trọng, việc họ đã cầu nguyện trước rồi và cũng đã dọn mình sẵn sàng; tất cả những người này ăn và uống án phạt mình. Thế nhưng, nếu họ tin tưởng và tin cậy rằng họ sẽ chiếm được ân sủng, thì chỉ một mình đức tin này mà thôi cũng làm cho họ nên tinh tuyền và xứng đáng rồi.

 

16.  Như thể đã được giải quyết là Giáo Hội, qua Công Đồng chung, ấn định giáo dân phải rước lấy cả hai hình; những người Bohemia (biệt chú của người biên soạn: những người thuộc nhóm Peter Chelezicky ở thế kỷ 15 không tin vào việc Biến Thể) chịu dưới cả hai hình thì không phải là các người lạc giáo mà là những người ly giáo.

 

17.  Các kho tàng của Giáo Hội mà giáo hoàng ban các ân xá không phải là công nghiệp của Chúa Kitô và của các thánh.

 

18.  Các ân xá là những gian lận đạo đức của tín hữu, và là những việc xá tội bởi các việc lành; các ân xá này thuộc về số những sự được phép làm chứ không phải thuộc số những sự ích lợi.

 

19.  Các ân xá không có lợi gì cho kẻ thực sự kiếm được chúng đối với việc xá giải hình phạt vì tội phạm thực sự trước nhan Thiên Chúa công minh.

 

20.  Những ai tin rằng các ân xá hữu ích và có lợi cho hoa trái thiêng liêng là những người bị đánh lừa.

 

21.  Các ân xá chỉ cần thiết cho các tội ác công khai, và đáng được ban cho thành phần cứng đầu cứng cổ.

 

22.  Ân xá không cần thiết hay hữu ích đối với sáu loại người; đó là kẻ chết và những người sắp chết, bệnh nhân, những người bị ngăn trở nặng, những người không phạm tội ác, những người phạm tội ác song không phải là tội ác công khai, và những người theo đuổi sự tốt lành hơn.

23.  Vạ tuyệt thông chỉ là các hình phạt bề ngoài và không làm cho con người tách khỏi các lời cầu nguyện thiêng liêng chung của Giáo Hội.

 

24.  Kitô hữu phải được dậy cho biết tiếp nhận các vạ tuyệt thông hơn là sợ các vạ này.

 

25.  Giáo Hoàng Rôma, vị kế thừa Phêrô, không phải là người đại diện Chúa Kitô coi sóc tất cả mọi giáo hội trên khắp thế giới được Chính Chúa Kitô thiết lập nơi Thánh Phêrô.

 

26.  Lời Chúa Kitô phán với Phêrô: “Bất cứ điều gì con cởi mở dưới đất” v.v. chỉ được áp dụng cho những sự chính Phêrô cầm buộc mà thôi.

 

27.  Chắc chắn một điều là Giáo Hội hay giáo hoàng không có quyền xác quyết về những điều thuộc đức tin, lại càng không có quyền xác quyết về các luật luân lý hay các việc thiện nữa.

 

28.  Nếu giáo hoàng và một phần lớn của Giáo Hội nghĩ thế này hay thế kia, thì ngài không sai lầm; ngoài ra, có nghĩ ngược lại cũng chẳng có tội hay lạc giáo gì cả, nhất là nơi vấn đề không cần thiết đến phần rỗi, cho đến khi giải pháp này bị lên án và giải pháp kia được một Công Đồng chung công nhận.

 

29.  Chúng ta được quyền trong việc làm giảm bớt quyền bính các công đồng, tự do tương phản lại những quyết định của các công đồng, cứu xét những sắc lệnh của các công đồng, và mạnh mẽ tuyên xưng bất cứ điều gì có vẻ đúng, cho dù nó có được chuẩn nhận hay luận bác bởi bất cứ công đồng nào.

 

30.  Một số điều khoản của John Hus, bị Công Đồng Chung Constance lên án, là những điều có tính cách Kitô Giáo nhất, hoàn toàn chân thực và hợp phúc âm; Giáo Hội hoàn vũ không thể lên án những điều này.

 

31.  Người công chính có tội trong hết mọi việc thiện hảo.

 

32.  Làm một việc thiện thật đàng hoàng là phạm tội nhẹ.

 

33.  Các người lạc giáo bị tử thiêu là việc phạm đến ý muốn của Thần Linh.

 

34.  Tham chiến đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ là chống lại Thiên Chúa, Đấng dùng họ để phạt lỗi lầm của chúng ta.

 

35.  Vì tính xấu kiêu căng khó thấy nhất mà không ai dám chắc là mình không luôn luôn phạm trọng tội.

 

36.  Sau khi tội lỗi xẩy ra thì ý muốn tự do chỉ còn là một tên gọi; bao lâu người ta làm theo những gì trong mình là họ phạm trọng tội.

 

37.  Không thể lấy các Sách Thánh Kinh có trong sổ bộ để chứng thực có Luyện Ngục.

 

38.  Các linh hồn trong Luyện Ngục không nắm chắc được phần rỗi của mình, ít là không hoàn toàn; lý luận cũng như Thánh Kinh không chứng thực được là họ không còn ở trong tình trạng lập công hay tăng thêm đức ái nữa.

 

39.  Các linh hồn trong luyện ngục không ngừng phạm tội bao lâu họ tìm kiếm nghỉ ngơi và hận ghét hình phạt.

 

40.  Các linh hồn được thoát khỏi luyện ngục nhờ các sự trợ giúp của kẻ sống thì không được hưởng phúc bằng việc chính họ đền tội lấy.

 

41.  Các chức sắc giáo hội và các công tước trần gian không tác hành một cách xấu xa khi họ phá hoại tất cả mọi bị tiền bạc của kẻ ăn xin.

 

 

(Tài liệu trên đây được trích dịch từ "Readings In Church History", edited by Colman J. Barry, OSB, Christian Classics, Inc, 1985, trang 992-996, và phần tài liệu này lại được trích từ Bullarum Diplomatum et Privilegiorum Sanctorum Romanorum Pontificum, Turin: Seb. Francô and Henry Dalmaoão, 1860, V, 748-754. Trans. by the Rev. Benedict R. Avery, O.S.B.)